Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lỗi thời duy trì suốt nhiều năm là vấn đề ai cũng biết,ỗithờisaovẫnkhôngsửnhẫn vàng 9999 1 chỉ,giá bao nhiêu cũng hiểu nhưng không ai hiểu vì sao Bộ Tài chính vẫn không chỉnh sửa sớm. Hồi tháng 7 tăng lương tối thiểu rất nhiều người không thể hưởng trọn niềm vui vì phần lương tăng bị thuế "bào" mất một khoản. Trước đó, điện tăng, nước tăng, xăng tăng. Trước nữa và ngay tại thời điểm này, giá hàng hóa tiêu dùng vẫn tăng dần đều và thị trường đã thiết lập mặt bằng giá cao hơn rất nhiều khi chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy bởi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế và chiến sự. Chỉ có ngưỡng thuế lỗi thời là vẫn giữ nguyên một cách vô lý đến bất công.
Đáng nói, điều này được chính Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận tại Quốc hội nhưng cũng chính tư lệnh ngành Tài chính cho biết dự luật Thuế TNCN sửa đổi chưa được bổ sung vào chương trình làm luật sắp tới mà phải sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024. Trên cơ sở đó mới tính thu nhập gốc, tính mức bình quân tăng lương mỗi năm là 7 - 8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân chịu thuế.
Đến đây thì việc không chỉnh sửa thuế sắc thuế quá lỗi thời này càng trở nên khó hiểu. Bởi xét về lý, theo quy định của luật Thuế TNCN hiện hành, trường hợp chỉ số CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Rõ ràng, việc chỉnh sửa luật Thuế TNCN không cần thiết phải chờ cải cách tiền lương như Bộ trưởng nói. Còn tính đúng, tính đủ thì ngưỡng giảm trừ 11 triệu đồng hiện nay được Bộ Tài chính lấy mức 9 triệu đồng (năm 2013) nhân với tốc độ gia tăng CPI của năm 2019 so với năm 2013 là 23%. Nghĩa là ngay tại thời điểm điều chỉnh, ngưỡng thuế đã không sát với thực tế, đã lạc hậu. Còn từ năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 ập đến tới nay chúng ta chứng kiến giá cả hàng hóa tăng rất mạnh. Hết dịch bệnh thì chiến sự Nga-Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng, rồi khủng hoảng kinh tế khiến thu nhập của người dân giảm mạnh, phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm hết mức chi tiêu, kéo sức mua xuống mức thấp. Đảng, Chính phủ nhiều lần khẳng định 2023 là năm khó khăn lịch sử và cũng vì thế, rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa có tiền lệ đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn này. Chỉ có thuế TNCN thì vẫn không được điều chỉnh, trước hết là để sòng phẳng và sau đó là chia sẻ với người nộp thuế.
Duy trì một chính sách lạc hậu, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, người làm công ăn lương quá dài không chỉ khiến họ bức xúc, tổn thương mà còn làm giảm hiệu quả của các chính sách khác. Đơn cử như chính sách giảm thuế VAT mà Quốc hội đang xem xét kéo dài để góp phần giảm giá hàng hóa, kích thích nhu cầu tiêu dùng. Nếu thu nhập không tăng, thuế đóng không phù hợp thì dù hàng hóa có rẻ đi một chút cũng khó để nhiều người rút hầu bao.
GDP năm nay gần như chắc chắn không về đích kế hoạch đề ra, tại các trung tâm lao động lớn của cả nước, tình trạng sa thải lao động vẫn âm thầm diễn ra. Khó khăn vẫn bủa vây rất nhiều người làm công ăn lương nói riêng và người dân nói chung. Điều chỉnh ngưỡng thuế về mức hợp lý là cần thiết và cấp thiết.
Không thể bắt thuế TNCN chờ cải cách tiền lương khi chính Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh đang thấp hơn mức sống đô thị của người dân và thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị là "không đủ sống".