Không phải tự dưng mà có người ví von: "Pháp luật là đạo đức tối thiểu. Đạo đức là pháp luật tối đa". Nghĩa là,Đạođứtrần cung trong lĩnh vực đang được bàn đến là giao thông và vận chuyển hành khách, thì việc tuân thủ khuôn khổ pháp luật về giao thông đương nhiên là chuyện miễn phải bàn cãi. Đó là những ràng buộc căn bản nhất về trách nhiệm "tối thiểu" mà các doanh nghiệp giao thông vận tải phải tuân thủ. Không đáp ứng các yêu cầu "tối thiểu" đó thì doanh nghiệp không được phép hoạt động. Thành Bưởi có đáp ứng mức đòi hỏi "đạo đức tối thiểu" đó chưa? Con số thống kê Thành Bưởi bị tước phù hiệu vì lỗi vi phạm giới hạn tốc độ 496 lần có đủ để đưa ra câu trả lời không? Và có đủ để đặt ra nhiều câu hỏi khó trả lời liên quan về hiệu lực thực tế của công tác quản lý an toàn giao thông?
Đáp ứng các yêu cầu pháp luật giao thông là để đủ điều kiện hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách. Nhưng còn chuyện lớn hơn, chuyện lâu bền trong sinh tồn và phát triển của một doanh nghiệp giao thông là coi trọng an toàn tính mạng con người, xem an toàn là tiêu chuẩn hàng đầu, tiêu chuẩn không bao giờ được đánh đổi để trở thành lựa chọn tin tưởng của hành khách. Hiểu được như thế thì không cần phải đợi pháp luật ràng buộc hay chế tài, mà tự giác theo đuổi tiêu chuẩn an toàn như một giá trị đạo đức kinh doanh. Không thứ lợi nhuận nào có thể đánh đổi được với an toàn sức khỏe và tính mạng con người. Nếu nhà xe nào cũng suy nghĩ và lựa chọn điều đó thì dù chỉ là một rủi ro tiềm tàng nào đó thôi cũng sẽ đặt tấm lòng của mình vào mà suy xét, mà tìm cách phòng ngừa. Chứ không phải là thản nhiên so sánh tỷ lệ, xác suất tai nạn của nhà xe mình thấp hơn của nhà xe khác. Đôi khi, chỉ một sự so sánh như vậy thôi, đủ để kết luận về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra, chúng ta thường quan tâm đến chuyện doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia vi phạm các quy định pháp luật, nào là luật giao thông, luật thuế, luật doanh nghiệp. Nhưng có những thứ không pháp luật nào có thể điều chỉnh cho nổi, là lối suy nghĩ và cách hành xử hằng ngày, hằng giờ của doanh nghiệp với con người, với cộng đồng, với môi trường. Với các nhà xe, đó là cách mà nhà xe chọn hay không chọn sự an toàn làm tiêu chuẩn hàng đầu để luôn đặt các lái xe vào một nền tảng kỷ luật khắt khe. Chẳng hạn lái xe dù có thể lách luật để cầm vô lăng quá 4 giờ đồng hồ, nhưng ý thức về an toàn cho hành khách không cho phép họ làm điều đó. Còn doanh nghiệp thì phải thiết lập cho bằng được quy tắc kiểm soát thay đổi ca lái xe mỗi phiên 4 giờ đồng hồ.
Thiếu nền tảng về đạo đức kinh doanh, chủ các nhà xe có thể sẽ tìm cách tạo ra càng nhiều càng tốt các cơ hội lách luật để tăng cơ hội kiếm lợi nhuận. Và vì thế, những người tiếp tay cho thứ đạo đức kinh doanh tệ hại đó cần bị nghiêm trị.